DẤU HIỆU CẢNH BÁO SỚM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY
Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính khá phổ biến của hệ tiêu hóa. Bệnh dễ di căn và gây tử vong cao vì các biểu hiện giai đoạn đầu rất mơ hồ và không đặc hiệu. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư dạ dày sẽ giúp ích rất lớn trong việc điều trị và tiên lượng bệnh.
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Ở Việt Nam, ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca, căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư dạ dày
Tùy từng cơ địa mỗi người mà các biểu hiện bệnh khác nhau. Có một số người bệnh không xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt ở giai đoạn sớm. Các dấu hiệu cảnh báo sớm hay gặp:
Đầy bụng khó tiêu: Có cảm giác đầy bụng sau khi ăn, khó tiêu, lúc đầu còn thưa và nhẹ, dần dần nặng lên và trở thành thường xuyên khiến bệnh nhân càng ngày càng khó chịu.
Chán ăn: Ăn không có cảm giác ngon miệng. Lúc đầu chán ăn đối với thịt, mỡ, sau đó chán ăn với tất cả loại thức ăn, không muốn ăn uống. Đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị tắc nghẽn ở cổ họng.
Buồn nôn, nôn: Sau khi ăn xong có thể xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn ra thức ăn ngày càng tăng, rồi trở thành nôn ít, nôn nhiều, rồi ăn gì cũng nôn.
Sút cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.
Đau bụng kèm ợ nóng: Cơn đau diễn ra từng đợt âm ỉ thường không liên tục, lúc có lúc không và chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn vài giờ, nếu nó là dấu hiệu ung thư dạ dày thì cơn đau thường xuyên và dai dẳng hơn. Các cơn đau cũng trở nên quặn thắt, dữ dội chứ không âm ỉ như lúc đầu. Kèm theo tình trạng ợ nóng, ợ chua do acid trong dịch vị tiết ra nhiều.
Biện pháp phòng tránh bệnh
Điều trị dứt điểm khi nhiễm vi khuẩn HP ( Helicobacter pylori): Nhiễm Vi khuẩn HP mạn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Khi vi khuẩn H. pylori gây bệnh dạ dày, dạ dày có thể trở nên bị viêm và gây ra những thay đổi trong các tế bào lót dạ dày. Theo thời gian, các tế bào trở nên bất thường và có thể trở thành ung thư.
Không sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá… chính là những “thủ phạm” gây nên các bệnh về đường ruột, là nguyên nhân làm xuất hiện và tăng các tế bào ung thư không chỉ ở dạ dày mà còn ở phổi, vòm họng,… Vậy để phòng bệnh ung thư dạ dày và các căn bệnh khác, nên từ bỏ thói quen sử dụng chất kích thích sớm
Hạn chế đồ hun khói, đồ ăn nhiều dầu mỡ: Thịt hun khói cũng như các đồ nướng, chiên xào thường được chế biến với nhiệt độ cao, thậm chí là chế biến với loại dầu ăn tái sử dụng nhiều lần có chứa có chứa nhiều chất gây ung thư như benzopyrene. Do đó bạn không nên ăn hoặc ăn ít các loại đồ ăn này.
Không nên ăn đồ muối: Những chất nitrit và amin thứ cấp có trong các loại thực phẩm được muối sẵn như cà muối, dưa muối khi được đưa vào dạ dày có thể sẽ kết hợp với nhau thành chất nitrosamines cực độc, có thể gây ra ung thư. Vì vậy, mặc dù những món ăn này tiện lợi và dễ ăn nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi: Rau xanh và hoa quả là nguồn cung cấp các chất xơ và vitamin hết sức dồi dào. Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin A,B,E, tăng cường sự hấp thu protein hợp lý, có thể bảo vệ cơ thể, phòng tránh ung thư dạ dày. Trong các bữa ăn hàng ngày, chúng ta nên bổ sung thêm các loại rau quả như cà chua, mầm cải xanh, súp lơ, cà rốt…
Không ăn thực phẩm nấm mốc: Một số loại thực phẩm mốc như gạo, ngô, đậu phộng có thể chứa loại chứa chất gây ung thư cực độc, cần loại bỏ ngay những thực phẩm này nếu phát hiện nghi vấn.
Thói quen ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý: Xây dựng được một thói quen ăn uống, ngủ nghỉ khoa học là môt trong những cách giúp hạn chế nguy cơ bị ung thư dạ dày. Ăn đúng giờ, không được bỏ bữa, không ăn quá no, không ăn quá nhanh, không nuốt vội vàng để dạ dày hoạt động được tốt và tránh ăn hay thức khuya để không làm hại đến dạ dày.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp sàng lọc và nhận biết sớm các bất thường của cơ thể, từ đó có phương pháp điều trị cụ thể giảm thiểu tối đa khả năng phát triển và biến chứng của bệnh.
Tập thể dục: Khỏe mạnh, năng động giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
————————————————————————————————————–
Để được tư vấn điều trị bệnh, vui lòng liên hệ:
SĐT: 0912 663 110 – Zalo: 0912 663 110
Địa chỉ: CHÍ THỌ ĐƯỜNG, số 5, tổ 5, phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình